Quỳ xin lỗi là hình ảnh không thể có trong môi trường sư phạm
Ngày 28/2 vừa qua, trong lúc giảng dạy, cô B.T.T.N (giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An) đã phạt một số học sinh bằng hình thức bắt quỳ gối vì vi phạm nội quy.
Ngay sau đó, 4 phụ huynh có con bị phạt đã đến trường trách móc cách hành xử của cô N. Cô N. đã nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót.
Tuy vậy, 1 phụ huynh trong số đó đã không chấp nhận lời xin lỗi này. Trước áp lực của phụ huynh, cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi phụ huynh học sinh ngay tại trường, trước sự chứng kiến của đông đảo đồng nghiệp và các em học sinh tiểu học.
Bắt quỳ - hành vi vô đạo trong giáo dục
Nhiều người cho rằng, phụ huynh kéo đến trường để buộc cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi là hành vi vô đạo, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, cần phân tích cả góc độ nguyên nhân.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cô giáo bắt học sinh quỳ như một hình thức kỷ luật là không được phép trong giáo dục. Cô giáo thiếu nghệ thuật sư phạm.
Về nguyên tắc, nếu học sinh sai thì cô giáo phải là người giải thích để học sinh hiểu, rút kinh nghiệm.
“Nếu giáo dục, xử phạt vi phạm nhân cách học trò là không thể được. Cô giáo này chưa có kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng về xử phạt học sinh. Cô giáo bắt học sinh quỳ gây ra bức xúc cho học sinh, phụ huynh”, ông Lâm phân tích.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, để xảy ra trường hợp phụ huynh vào tận trường, bắt cô giáo phải quỳ thì hiệu trưởng, bảo vệ và cả tập thể các thầy cô giáo đứng chứng kiến cũng thiếu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho giáo viên.
“Nếu họ cùng quyết tâm giữ thanh danh cho trường, bảo vệ danh dự của nghề giáo, họ sẽ biết cách bênh vực đồng nghiệp. Trường là nơi để học chứ có phải cái chợ đâu, để ai muốn vào làm gì thì làm là không được”, TS Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
“Không để cho phụ huynh vô can”
Về hành động phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định: “Đó là vi phạm nhân quyền. Nếu con sai, phụ huynh phải phối hợp với cô giáo để giáo dục con, không vì nóng vội, bênh vực con mà sỉ nhục người khác. Bố mẹ không tôn trọng cô giáo thì làm sao mà cô giáo dạy học trò. Trong trường hợp này, tôi đề nghị chính quyền địa phương không để cho phụ huynh vô can được”.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ bức xúc trước hình ảnh “bắt quỳ gối xin lỗi” ở môi trường sư phạm.
“Tôi rất bức xúc, trong việc này trước hết cô giáo sai. Nếu học sinh có lỗi, giáo viên bắt học sinh quỳ là sỉ nhục học sinh. Là giáo viên, mình phải có lòng thương yêu học sinh. Nếu các em có sai thì giáo viên phải lựa lời, không được có hành động bạo lực như vậy”, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích, từ chỗ sai của cô giáo gây bức xúc cho phụ huynh. Đó là một chuỗi sai lầm trong hành xử giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh. Nếu phụ huynh thấy cô giáo sai phải phân tích cô sai ở đâu, thậm chí phụ huynh có thể đề nghị nhà trường đình chỉ việc giảng dạy của cô.
Từ sự việc này, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải cảnh báo cho xã hội. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, giáo viên, làm mất đi mối quan hệ tốt đẹp giữa phụ huynh và học sinh. Tệ hại hơn nữa là làm ảnh hưởng đến hình ảnh của giáo viên với học sinh, cô giáo sẽ mất uy tín cũng như sự tự tin trước học sinh.
Về luật pháp, rõ ràng phụ huynh đã vi phạm quyền con người, phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học nhận định: “Là một nhà giáo, cô giáo này phải nhận ra việc làm của mình là hành vi phản giáo dục, cô giáo phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Nhưng cái giá mà cô phải trả là quá đắt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét