Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Thiếu niên 16 tuổi sống nhờ máy móc chờ một phép màu

Thiếu niên bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Là con trai thứ hai của gia đình, trước đó Đức hoàn toàn khỏe mạnh, thi thoảng ốm sốt. Cuối năm ngoái, cậu bất ngờ sốt cao, điều trị tại nhà thì giảm sốt. Vài ngày sau Đức dần mệt lả, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được kết luận bị suy tim nên chuyển ra Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.

Khi đó, Đức đã bị suy tim rất nặng, tim chỉ còn 30-40% chức năng và chỉ định ghép tim. Sau hơn một tháng điều trị tại đây, từ ngày 21/2 đến nay, Đức được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức điều trị, mong chờ người hiến tạng phù hợp.

Trưa 28/4, tim cậu thiếu niên đột ngột ngừng đập. Các bác sĩ liên tục ép tim, chiến đấu suốt nhiều giờ để giành giật sự sống cho Đức. May mắn tim của bệnh nhân đã đập trở lại và được duy trì sự sống nhờ hệ thống ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể, thay thế chức năng của tim.

Theo các bác sĩ, ECMO cũng chỉ có thể giúp kéo dài sự sống cho Đức tối đa 3 tuần. Cách duy nhất để cậu thiếu niên được sống là ghép tim.

“Chưa bao giờ chúng tôi thấy thời gian trôi nhanh như lúc này. Chỉ mong sẽ có một phép màu nào đó đến với cháu”, bố chàng trai trẻ nói.

Bác sĩ, gia đình mong đợi một phép màu đến với cậu thiếu niên 16 tuổi Ảnh: N.V.

Bác sĩ, gia đình đang mong đợi một phép màu đến với thiếu niên 16 tuổi Ảnh: N.V.

Túc trực bên con từng ngày, người mẹ không ngừng hy vọng vào một điều kỳ diệu, một phép màu. “Bác sĩ nói vẫn đang cố gắng tìm kiếm tim, vận động một nghĩa cử của ai đó không may qua đời... Họ sẽ hiến tặng cho con một trái tim để con được sống, được tiếp tục đi học và thực hiện ước mơ. Thật khó phải không con, nhưng mẹ không thể mất con được, con yêu của mẹ”, người mẹ viết những dòng ngắn ngủi gửi con.

“Thời gian đang đếm lùi từng ngày. Chúng tôi kêu gọi thân nhân các gia đình có người thân đang rơi vào tình trạng chết não mang nhóm máu O+ hãy cho Đức một cơ hội sống. Hãy cho người thân của mình sống thêm một lần nữa trong cơ thể của cậu bé và các bệnh nhân khác đang cận kề cái chết”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người kêu gọi.

Đến nay cả nước có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Chi phí cho một ca ghép tạng trong nước chỉ bằng 1/4 so với nhiều nước phát triển và nhiều nước trong khu vực. Nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người ở nước ta là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép thận. Về ghép gan chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có trên 5.000 người đang chờ được ghép giác mạc.

Trên thế giới, 90% nguồn tạng cho được lấy từ người chết não, chỉ khoảng 10% là từ người cho sống. Ngược lại ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan vẫn chủ yếu là từ người cho sống. Theo thống kê tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Việt Đức; trung bình mỗi ngày có khoảng 2-3 ca chết não, cá biệt có ngày hơn 10 ca tuy nhiên số ca chết não đăng ký hiến tạng mỗi năm tại nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phương Trang

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét