Dịch cân kinh là bí kíp quan trọng hàng đầu trong những tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Trung Quốc. Nhắc đến Dịch cân kinh trong truyện Kim Dung, người ta nhớ đến chuyện Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ) bị trọng thương chờ chết mà vẫn hồi phục nhờ Dịch cân kinh. Du Thản Chi (Thiên long bát bộ) thì vô tình tập theo Dịch cân kinh mà từ nhân vật hạng bét trong võ lâm trở thành cao thủ. Kim Dung còn cho nhân vật dùng Dịch cân kinh đẩy kịch độc băng hàn ra khỏi cơ thể, tự chữa thương.
Nhân vật Lệnh Hồ Xung trên màn ảnh. |
Tồn tại ngoài đời thực, Dịch cân kinh không cao siêu như những gì Kim Dung viết. Dịch cân kinh là tên rút gọn của Dịch cân tẩy tủy kinh hay có nơi gọi là Đạt Ma dịch cân kinh, chữ Hán có nghĩa "cuốn kinh chỉ phép co duỗi gân". Gồm một chuỗi bài tập kết hợp hơi thở, Dịch cân kinh hướng đến cải thiện sức khỏe cơ bắp, gân đồng thời tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt, tốc độ, mức chịu đựng, sự cân bằng và khả năng phối hợp cơ thể.
Về xuất xứ, tương truyền Dịch cân kinh do Bồ Đề Đạt Ma lĩnh ngộ sau 9 năm diện bích ở chùa Thiếu Lâm vào khoảng thế kỷ VI. Tuy nhiên, giả thuyết này bị nhiều người nghi ngờ. Theo Hiệp hội Khí công Trung Quốc, nguyên mẫu của các thức trong Dịch cân kinh được tìm thấy trong văn bản 2.000 năm tuổi có tên Minh họa về vận khí.
Không chỉ nguồn gốc mà số thức trong Dịch cân kinh cũng gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng bí kíp này gồm 18 thức, tương ứng với 18 vị La Hán. Ngày nay, phiên bản được Viện Hàn lâm Y học Trung Quốc công nhận chỉ có 12 thức.
Mô tả 12 thức trong Dịch cân kinh. Ảnh: SMA bloggers. |
Mục đích cơ bản của Dịch cân kinh là biến những gân, cơ mỏng manh trở nên khỏe mạnh, chắc chắn. Động tác trong Dịch cân kinh vừa mạnh mẽ vừa chậm rãi, nhẹ nhàng. Người tập cần vận dụng cả ý chí lẫn thể chất, kết hợp với hơi thở.
Dịch cân kinh quan niệm nếu cơ được kéo giãn thì nội tạng, khớp, kinh mạch và khí cũng thay đổi. Cơ bắp, gân khỏe hơn đồng nghĩa với việc sức khỏe nói chung tốt hơn, cả sức đề kháng, độ linh hoạt cũng như khả năng chịu đựng đều được cải thiện. Bên cạnh đó, hít thở sẽ tạo ra nhiều khí tốt.
Cách tập Dịch cân kinh:
- Hầu hết các thức đều yêu cầu mở lòng bàn tay, chỉ nắm lại khi kéo giãn gân.
- Các thức được thực hiện ở tư thế đứng, đôi khi ngả về trước chứ không bao giờ nằm hay ngồi.
- Mắt luôn mở, không bao giờ nhắm.
- Tốc độ tập chậm rãi nhưng chắc chắn, kéo căng. Cả cơ thể lẫn khuôn mặt đều thư giãn.
- Mọi phần của thân trên đều hoạt động, đặc biệt là phần vai.
Nhờ kết hợp các động tác vận động với hơi thở, Dịch cân kinh có tác dụng xua tan mệt mỏi, điều hòa khí huyết, ổn định tim mạch. Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sung mãn thì đẩy lui được bệnh tật và thấy đời vui tươi, hạnh phúc.
Tuy nhiên, Dịch cân kinh không tác dụng ngay lập tức mà đòi hỏi tập luyện hàng ngày trong thời gian dài. Dân gian Trung Quốc lưu truyền rằng sau một năm tập Dịch cân kinh, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ tăng lên. Tập đến năm thứ hai, lưu thông máu được cải thiện. Năm thứ ba, cơ bắp linh hoạt, mọi bộ phận được nuôi dưỡng tốt hơn. Năm thứ tư, kinh mạch lưu thông, toàn bộ nội tạng được tác động. Năm thứ năm, tủy được rửa sạch, não bộ cũng minh mẫn hơn.
Như vậy, Dịch cân kinh thực sự có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cũng không thể kỳ vọng tác dụng lập tức như phép nhiệm màu giống trong truyện Kim Dung.
Chiều 30/10, nhà văn Kim Dung qua đời tại Hong Kong với nụ cười trên môi, thọ 94 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét