Thịt đỏ trong cách hiểu ẩm thực truyền thống là các loại thịt mang sắc đỏ khi còn tươi và không đổi thành màu trắng khi nấu chín. Đây là loại thịt từ phần lớn các loài thú, cụ thể là các loại: thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt bê, thịt ngựa, thịt trâu...
Chia sẻ với NBC News, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết, ở những người ăn thịt đỏ, cơ thể sản xuất nhiều chất trimethylamine N-oxide (hay còn gọi là TMAO), được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Kể cả khi ngừng ăn thịt đỏ trong một tháng, cơ thể vẫn tiết ra những hợp chất này.
Ngoài ra, Tiến sĩ Stanley Hazen, người đang nghiên cứu về tác dụng của TMAO đối với bệnh tim cho biết, một số người đã tăng 10 lần mức TMAO sau một tháng ăn thịt đỏ. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều thịt đỏ còn có thể thay đổi chức năng thận.
Ăn nhiều thịt đỏ làm tanwgnguy cơ mắc bệnh tim. Ảnh: Health |
TMAO, viết tắt của trimethylamine N-oxide, được tạo ra bởi vi khuẩn đường ruột khi chúng tiêu hóa thức ăn. Thịt đỏ làm cho các vi trùng đường ruột tạo ra rất nhiều tiền chất, mà cơ thể con người chuyển hóa thành TMAO. TMAO có thể khiến máu dễ đông hơn, điều này sẽ giúp giải thích lý do tại sao nó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các sản phẩm từ trứng, sữa cũng có thể làm tăng mức TMAO.
Trong một nghiên cứu thứ hai với nhóm người ăn chay và thuần chay, ban đầu cơ thể họ không sản xuất nhiều TMAO ngay cả khi họ dùng chất bổ sung. Tuy nhiên sau vài tuần ăn thịt đỏ, hàm lượng TMAO cao gấp 2-3 lần so với những người bổ sung chất đạm chủ yếu từ thịt trắng như thịt gà, hoặc những nguồn không phải từ thịt.
Tiến sĩ Charlotte Pratt, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ khuyến cáo, mọi lứa tuổi nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh cho sức khỏe tim mạch, hạn chế thịt đỏ và gia tăng các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm từ sữa ít béo và các nguồn protein từ thực vật như đậu và đậu Hà Lan.
Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét