Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Chàng trai chuyển giới thành nữ để 'mưu cầu hạnh phúc'

29/5/2018 là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời Nguyễn Vũ Hà Anh. Ngày mà cô nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật lần thứ 21 từ bố mẹ: "Chúc mừng sinh nhật con gái, mong con đường con chọn sẽ đúng đắn, dù có thế nào, con vẫn là con của bố mẹ". Đọc được tin nhắn mà Hà Anh khóc tu tu, bởi đây là lần đầu tiên trong suốt những năm qua cô được nghe từ "con gái" do chính những người sinh thành của mình nói ra.

Hà Anh tên khai sinh là Nguyễn Duy Long, quê ở Bắc Giang, sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội. Cô là sinh viên hiếm hoi của trường công khai chuyển giới. Cô cũng là gương mặt trẻ nổi bật với các hoạt động vì cộng đồng LGBT ở Hà Nội.

Hà Anh trước và sau khi chuyển giới. Ảnh: L.N.

Hà Anh sinh ra với giới tính trai, song sâu thẳm trong tâm hồn luôn khao khát được trở thành một cô con gái của gia đình. Từ khi còn nhỏ, Hà Anh đã biết mình khác biệt với các bạn trai cùng trang lứa. Cô đi lại nhẹ nhàng, không chơi các trò chơi của con trai mà chỉ chơi với các bạn nữ. Sợ bị kỳ thị, sợ bố mẹ nên Hà Anh đã che giấu con người thật của mình suốt những năm tháng học trò.

Hà Anh thật sự lột xác, được sống đúng với con người mình từ khi trở thành sinh viên ngành thanh nhạc của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cuối năm thứ nhất, Hà Anh bắt đầu để tóc dài, thay đổi cách sống đúng như một người con gái thực sự. Từ khi công khai chuyển giới, suốt một năm Hà Anh không dám về nhà. Trước Tết 2016, Hà Anh gọi điện thoại cho mẹ báo "Bây giờ con làm con gái rồi, con muốn về ăn Tết cùng gia đình", mẹ cô đã rất sốc.

Khoảng khắc mẹ Hà Anh nhìn thấy đứa con trai mình sinh ra bỗng có tóc dài, mặc váy, đi giày cao gót, môi đánh son đỏ, bà lặng người. Bà lo lắng, sợ hãi, mong con suy nghĩ lại. Bố mẹ Hà Anh còn cho rằng con đi học xa nhà bị "lây bệnh" từ bạn bè đến cấm không cho đi học nữa.

Tết năm đó nhà Hà Anh chẳng vui. Cả cô và bố mẹ không dám đi đâu vì sợ hàng xóm dị nghị. Mọi người trong họ cũng xa lánh, thậm chí bố mẹ của những đứa nhỏ còn cấm chúng không cho đến gần Hà Anh. Biết là sẽ khó khăn, nhưng Hà Anh nói rằng "không thể sống giả dối với chính mình được, phải sống hạnh phúc với giới tính thật của mình". Cô cầu xin cha mẹ hãy hiểu và ủng hộ quyết định này của mình. 

Hà Anh dự định phẫu thuật để trở thành nữ giới thật sự. Ảnh: H.A

Hà Anh dự định phẫu thuật để trở thành phụ nữ thật sự. Ảnh: H.A

Để trở thành một người con gái thực sự, Hà Anh bắt đầu bằng việc sử dụng hormone nữ. Do sức khỏe yếu, cô không sử dụng được thuốc ở dạng tiêm nên dùng thuốc uống và thuốc bôi. Bổ sung hormone nữ, Hà Anh cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong con người mình. "Cơ thể em dần nữ tính hơn, da dẻ trắng hơn, chân tay không còn thô cứng", cô gái nói.

Từ khi mang hình hài con gái, Hà Anh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi xin việc làm. Hầu hết các nơi đều từ chối với lý do cô là "nửa nọ nữa kia". Để có tiền mua hormone, Hà Anh phải làm nhân viên phục vụ ở những quán ăn, công việc lương thấp, không cần đến hồ sơ cá nhân. 

Dự định của Hà Anh là tiếp tục hoàn thành việc học và sẽ sớm phẫu thuật để được chuyển giới hoàn toàn. Cô gái mong muốn Luật chuyển đổi giới tính nhanh chóng được thông qua để những người chuyển giới như cô "có được cuộc sống bình thường, không bị kỳ thị, tìm được việc làm và mưu cầu hạnh phúc cho mình". 

Hiện Việt Nam ước tính có trên 400.000 người chuyển giới. Do các rào cản về xã hội, văn hóa và pháp lý, những người này dễ bị phân biệt đối xử và bị tổn thương. Nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới nữ do Tổ chức CARMAH và Đại học Pittsburg (Mỹ) thực hiện ở TP HCM cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử. 4% người được hỏi có việc làm, 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm. 83% người được hỏi chia sẻ là bị cộng đồng chế giễu.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ công nhận 2 giới tính là nam và nữ, không công nhận giới tính thứ 3. Luật Hôn nhân và gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Luật hộ tịch, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự... đều chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính. Vì vậy, các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội dành cho người chuyển giới hầu như không có. Một số cá nhân tự phẫu thuật chuyển giới xong, các vấn đề về pháp lý như giấy tờ tùy thân chưa được đáp ứng.

Bộ Y tế đang soạn thảo dự Luật chuyển đổi giới tính và ở giai đoạn lấy ý kiến. Dự kiến dự thảo trình Quốc hội phê duyệt vào năm 2019.

Lê Nga

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét