Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Gần 600 chất và tiền chất ma túy hoành hành tại Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện chiều 29/10, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và ma túy, mại dâm, cho biết năm 20017 thế giới có 255 triệu người sử dụng ma túy tuổi 15-64. Năm 2010, con số này là 226 triệu người. Đến 50% người sử dụng ma túy tổng hợp sống tại Đông Nam Á. Năm 2016, có khoảng 760 tấn thuốc phiện (tương đương 76 tấn heroin) và 20 tấn ma túy tổng hợp được sản xuất ở khu vực này.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2017 có gần 223.000 người nghiện ma túy được quản lý, tăng gần 12.000 người so với năm 2016. Đặc biệt, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu.

Đại diện Bộ Công an cho biết đáng lo ngại hiện nay là tội phạm pha trộn các loại ma túy như chế cần sa thành bánh kẹo, trộn với các loại thuốc tân dược, chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp... Mục đích nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che giấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất.

Tem giấy (bùa lưỡi) là một loại ma tuý trá hình.

Tem giấy (bùa lưỡi) là một loại ma tuý trá hình.

Năm 2015 có 292 chất và tiền chất ma túy tại Việt Nam. Sau 3 năm, hiện danh mục đã tăng lên 559 chất và tìền chất. Danh sách các loại ma túy mới không dừng lại mà nối dài hơn với nhiều loại ma túy nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Trong đó có những cái tên như lá thiên đường (la khat), thuốc lắc meo meo flakka, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười (lazy cakeake), muối tắm, trà sữa nước vui, nấm ma thuật. "Thậm chí có những chất ma túy mới xuất hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam", đại diện Ủy ban phòng chống AIDS và ma túy, mại dâm cho biết. Không chỉ tăng chóng mặt về số lượng, các loại ma tủy tổng hợp ngày càng tăng nồng độ gây ảo giác. Đây là nguyên nhân có thể gây chết người do ngộ độc ma túy, nhiễm HIV, nghiện.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm phát hiện thêm 3.500 người nhiễm HIV trong cả nước. So với cùng kỳ năm 2017, số người nhiễm HIV mới phát hiện giảm khoảng 3%, số bệnh nhân AIDS giảm 27%. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng có thể chưa được phát hiện.

Tỷ lệ nhiễm HIV tăng trở lại trong nhóm nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Các chuyên gia lo ngại là tình trạng tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, có thể bùng phát đợt dịch HIV trong nhóm người trẻ.

Hướng tới mục tiêu Việt Nam kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao. Ngành y tế tăng cường giám sát và phát hiện người mang HIV; tư vấn xét nghiệm sàng lọc. Ngoài ra, mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả người có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Tại Việt Nam, nhóm ưu tiên điều trị dự phòng là nam có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; bạn tình của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV có lượng virus HIV cao; người bán dâm; người tiêm chích ma túy.

Lê Nga

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét